Trung Quốc vừa cho ra mắt dịch vụ mạng internet nhanh nhất thế giới, với tốc độ nhanh gấp 10 lần mạng internet đang được sử dụng phổ biến hiện nay trên toàn cầu.
Hãng công nghệ Huawei, hợp tác với nhà mạng China Mobile và trường Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), để nghiên cứu và xây dựng mạng internet đầu tiên trên thế giới đạt tốc độ 1,2 Terabit/giây (tương đương 150GB/giây), nhanh gấp 10 lần mạng internet được sử dụng phổ biến trên toàn cầu hiện nay.
Huawei và China Mobile đã hợp tác cùng nhau xây dựng 3.000km cáp quang nối giữa Bắc Kinh ở phía bắc với các thành phố ở miền trung và nam Trung Quốc, như Vũ Hán, Quảng Châu. Đường cáp quang siêu tốc này được vận hành thử nghiệm vào tháng 7 vừa qua và chính thức ra mắt công chúng vào ngày 14/11, sau khi vượt qua các bài kiểm tra vận hành nghiêm ngặt.
Tuyến cáp quang tốc độ 1,2Tb/giây vừa được Trung Quốc cho ra mắt đã phá vỡ dự đoán của các chuyên gia công nghệ, khi họ cho rằng mạng internet đạt tốc độ 1Tb/giây (tương đương 125GB/giây) phải đến năm 2025 mới được ra mắt.
Tuyến cáp quang tốc độ cao này là một phần của "Cơ sở hạ tầng Công nghệ internet của tương lai" (Future Internet Technology Infrastructure - FITI), một dự án được thực hiện trong 10 năm qua của chính phủ Trung Quốc.
Vũ Kiến Bình, người đứng đầu dự án FITI, cho biết việc mạng internet siêu tốc được đưa vào hoạt động thực tế là một bước tiến công nghệ vượt trội của Trung Quốc so với thế giới, đặt nền móng để quốc gia này có thể tiếp tục xây dựng những hệ thống mạng internet với tốc độ còn cao hơn nữa.
Vương Lệ, Phó chủ tịch hãng công nghệ Huawei, cho biết tốc độ mạng internet này cho phép người dùng có thể tải 150 bộ phim độ phân giải cao chỉ trong một giây.
Trong khi đó, Từ Minh Vĩ, đại diện nhóm nghiên cứu của Đại học Thanh Hoa, so sánh mạng internet vừa được ra mắt tương đương một tuyến đường sắt cao tốc nhanh gấp 10 lần hệ thống đường sắt thông thường. Từ Minh Vĩ cho biết điều này sẽ giúp giá thành rẻ hơn và dễ quản lý hơn, thay vì phải quản lý cùng lúc 10 hệ thống đường sắt như trước đây.
Theo Tân Hoa Xã, tất cả các hệ thống phần mềm và phần cứng của hệ thống mạng internet siêu tốc này đều được nghiên cứu, phát triển và sản xuất tại Trung Quốc. Việc áp dụng đường truyền internet siêu tốc vào thực tế có thể giúp đáp ứng các hoạt động của Trung Quốc về giáo dục, nghiên cứu công nghệ mới, phát triển đô thị thông minh, các hệ thống internet cho vạn vật…
Trên thực tế, hệ thống mạng internet siêu tốc vừa được Trung Quốc ra mắt chỉ là mạng internet dành cho người dùng phổ thông có tốc độ nhanh nhất thế giới. Trong khi đó, mạng internet có tốc độ nhanh nhất hiện nay là hệ thống mạng ESnet của Mỹ.
ESnet (Energy Sciences Network) là hệ thống mạng internet siêu tốc được phát triển bởi Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, nhằm cung cấp dịch vụ mạng siêu tốc, đáng tin cậy và an toàn cho các cơ sở và viện nghiên cứu khoa học trên khắp nước Mỹ.
Hiện hệ thống mạng ESnet đã đạt được tốc độ tối đa 46Tb/giây (tương đương 5.750GB/giây). Tốc độ mạng siêu tốc của ESnet giúp các nhà khoa học có thể chia sẻ dữ liệu lớn giữa các trung tâm nghiên cứu, quá trình làm việc nhóm từ xa diễn ra một cách trơn tru và hầu như không có độ trễ…
Tuy nhiên, ESnet chỉ là hệ thống mạng nội bộ dành riêng cho các nhà khoa học tại Mỹ, thay vì mạng phổ thông như dịch vụ internet mà Trung Quốc vừa trình làng kể trên.
Viết bình luận